Ít tiền thì đi kiểu gì

Nhà nghèo thì phải ăn khoai.

Bạn phải chấp nhận là rẻ nghĩa là phải đánh đổi lấy sự sung sướng. Có người đi du lịch vì họ muốn nghỉ xả hơi xả stress, không thích hành xác, vậy thì bài này không dành cho họ. Bài này (blog này) là cho những người chỉ có một tí tiền nhưng lại muốn đi một đống chỗ. Vậy thì phải khổ hihihi.

Mình không có giàu, nhưng mình hay đi, vì mình chịu khổ. Vì với mình du lịch là kiến thức, mình muốn thấy nhiều biết nhiều. Mình thích du lịch cũng vì cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên, mình muốn đứng trên núi lửa ở Java, bơi ở sông Amazon, ngồi giữa thác Iguazu, nên miễn sao mình xuất hiện được ở những chỗ đó là được, cực mấy cũng được.

Nếu muốn đi giá rẻ, bạn phải set một con số mà bạn sẽ không vượt quá, tức là budget.

Budget cơ bản là bao gồm:

  • Tiền đi lại. Mục này có 2 mục nhỏ là tiền đến và đi, tức là tiền mà bạn đi từ nhà bạn tới chỗ đó, và về lại. Thứ 2 là tiền đi lại trong khu vực đó như là tiền taxi, xe bus, bay từ thành phố này sang thành phố khác trong nước đó, v.v
  • Tiền ăn uống
  • Tiền ngủ
  • Tiền mua sắm
  • Tiền vé tham quan
  • Tiền cho vệ sinh cá nhân (thường là khi nào đi backpack tầm 2 tháng trở lên thôi thì mục này mới quan trọng)
  • Phí visa nếu đi xa

Mình cố tiết kiệm mỗi khoản này như sau.

Tiền đi lại:

Hầu như lần nào mình đi nước ngoài cũng là đi khi có khuyến mãi. Nhất là khi hãng hàng không mới mở tuyến thì giá tuyến cực rẻ, bạn phải chộp liền. Nếu bạn là dân du lịch chuyên nghiệp, bạn phải biết tích lũy dặm (miles). Bạn đi đủ số dặm thì họ tặng bạn vé miễn phí.

Nhớ luật bất thành văn là muốn rẻ thì đừng di chuyển vào cuối tuần. Xếp ngày đi vào thứ 3-4-5 thôi, dù máy bay hay xe khách thì cuối tuần vẫn đắt hơn ngày thường.

Đi lại trong khu vực điểm đến thì mình luôn dùng phương án rẻ nhất có thể. Nếu khoảng cách dưới 3km mình sẽ đi bộ, xa hơn mới đi những phương tiện giao thông công cộng như xe bus hay metro. Nếu bất khả kháng mà phải đi taxi thì mình đi Uber. Từ thành phố này qua thành phố khác thì cũng đi xe khách chứ ko đi máy bay. Ở một số thành phố có dịch vụ đi xe đạp miễn phí, hoặc cực kì rẻ, như Quito ở Ecuador và Rio ở Brazil, thì mình đi xe đạp. Nếu đang ở nhờ nhà ai đó mà họ có xe đạp thì mình mượn đi. Thỉnh thoảng mình hitch hike (đi quá giang). Tiền đi lại là nhiều nhất trong budget, nên phải tìm cách hạn chế.

  • Mua vé xe khách như thế nào cho rẻ:

Bạn nên mua vé trước ít nhất 1 ngày. Đừng book ở đại lý du lịch. Bạn có thể mua vé xe với giá có khi chỉ 1 nửa so với mua ở đại lý du lịch, nếu ra tận bến xe, đi 1 vòng hỏi giá của TẤT CẢ các công ty xe bus ở đó. Sau khi biết hết giá thì:

– Chọn chỗ rẻ nhất nếu bạn ưu tiên giá.

– Chọn chỗ rẻ nhì nếu bạn muốn vừa rẻ vừa có một chuyến đi dễ chịu.

Thường thì công ty có xe rẻ nhất nó không tốt. Ví dụ như toilet bẩn, xe cũ đi cà giật cà giật, hoặc bắt khách dọc đường. Nhưng nếu bạn không phiền những cái này thì cứ mua, vì nó rẻ bằng 1 nửa mấy hãng xịn.

Công ty rẻ nhì thì thường là vừa phải. Xe sạch vừa đủ, không mới không cũ, không bắt khách hoặc có thì cũng 1, 2 lần là cùng, đến khá đúng giờ, có khi còn cho bạn bánh và nước ngọt. Đối với mình loại này là ổn nhất.

Sau khi chọn được hãng xe, bạn nên trả giá (mặc cả). Hỏi họ là giảm giá (discount) cho tao đi. Thật ra cái này tùy nền văn hóa mà nơi giảm nơi không, nhưng đa số nơi mình đi là họ giảm cho mấy chục ngàn. Nếu bạn không thích giá đó, bạn trả xuống chút nữa, nếu họ OK họ sẽ giảm tiếp, không thì họ từ chối. Bạn đừng ngại trả giá vì bản chất của du lịch là bị chặt chém. Họ thấy bạn là người nước ngoài là họ báo giá cho bạn cao hơn người địa phương rồi. Cứ mặc cả vô tư đi.

Tiền ăn uống:

Nếu đi dài ngày thì mình nấu ăn cho rẻ. Mình nấu 1 nồi đủ ăn cho mấy ngày rồi để tủ lạnh, tới bữa lôi ra hâm lại. Nếu hôm đó đi đâu chiều mới về thì mình gói đồ ăn theo, đỡ phải tốn tiền ăn nhà hàng. Tự nấu vậy 1 bữa chỉ chừng 20 ngàn tiền Việt. Còn nếu phải ăn ngoài thì mình chọn chỗ nào bình dân, cũng cỡ 30-50 ngàn, trừ khi đi nước giàu như Châu Âu, Mỹ, Brazil, Nhật đồ chi. Mình ăn như người thường ở bản xứ vậy. Tuy nhiên khi tới 1 nước thì ít nhất bạn phải ăn được 3 món ăn nổi tiếng của nước đó, nếu bạn muốn khám phá cả ẩm thực. Ẩm thực là văn hóa mà.

Tiền ngủ:

Mình chỉ trả tiền giường nếu đi du lịch ngắn ngày. Còn khi backpack thì 1 là mang theo lều, 2 là ở Couchsurfing.

Couch surfing là một cộng đồng của những người đi du lịch, giúp đỡ nhau bằng cách cho nhau ở nhờ. Dĩ nhiên là không được như khách sạn. Bạn hên thì có phòng riêng, không thì nằm sofa, nằm nền đất, nằm cùng giường với chủ nhà, đủ kiểu hết. Nhưng họ sẽ nói trước, không nói thì bạn hỏi, đồng ý thì ở không thì thôi. Ở Việt Nam mình mua mấy món quà lưu niệm nhỏ nhỏ mang theo, khi rời đi thì tặng họ. Cộng với nấu 1 bữa ăn Việt Nam mời họ ăn. Vậy là trọn vẹn nghĩa tình. Tuy nhiên cộng đồng này thật ra rất nặng về giao lưu văn hóa, nên bạn cũng đừng coi họ như công cụ tiết kiệm tiền mà phải biết giao lưu.

Có khi mình ở Hostel. Đa số giá hostel là $4-10/đêm, trừ các nước Tây giàu có.

Cũng có khi mình tới hostel, lau chùi dọn dẹp giúp họ, họ cho ở miễn phí. Có nơi cho cả ăn lẫn ở miễn phí nhưng vậy thì phải làm việc tầm 5 tiếng/ngày nên chỉ thích hợp để đi lâu. Làm việc buổi sáng, buổi chiều và cuối tuần đi chơi, họ bao ăn ở thế là ở đó 1 tháng chắc tốn cỡ 2-3 triệu j đấy. Bạn có thể tìm được những việc làm này trên trang workaway.info hay helpx.net, nhưng phải trả phí thành viên tầm $20-30/năm.

Tiền mua sắm

Cái này thì mình không giúp gì được nhiều vì nhu cầu mua sắm quá đa dạng. Mình chỉ có thể nói là chỉ mua nếu rất cần, và né những điểm sang trọng ra. Mua gì thì đi quanh hỏi giá rồi quay lại chỗ rẻ nhất sau. Mình đi phượt dài ngày chả mua gì ngoài mấy món quà lưu niệm nhỏ xíu cho người thân.

Tiền vé tham quan

Nếu là vé với giá tiền in sẵn thì không có cách gì để tiết kiệm, ngoài cách trốn vé lẻn vào. (Nhưng mình khuyến khích bạn đừng làm vậy nha. Nếu bạn được nhận thì phải cho đi. Đi du lịch tốt cho đầu óc bạn, nhưng không tốt cho tài nguyên thiên nhiên vì bạn kiểu gì cũng đang gây ảnh hưởng lên nó. Tiền vé là cách duy nhất để người ta bảo vệ, chăm sóc và phục hồi thứ bạn đã gây ra)

Tuy nhiên, nếu bạn đang mua tour, thì cách mua cũng giống như khi mua vé xe khách. Đi 1 vòng và hỏi hết giá và hành trình, rồi chọn chỗ ưng ý nhất. Và đừng mua tour từ 1 thành phố khác mà đi tới tận đó rồi hãy mua, nhiều khi giá chỉ rẻ còn 1 nửa. Nếu bạn đi backpack mà muốn thăm 1 điểm mà điểm này trải dài trên nhiều nước (ví dụ rừng Amazon trải dài từ Colombia, xuống Ecuador, Peru, Bolivia, Brazil) thì hãy ghé nó ở nơi có đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, thì thường là nó rẻ nhất (Đi Amazon rẻ nhất là từ Bolivia) Bạn hãy gắng hạn chế mua tour hết mức có thể. Mình chỉ mua tour ở những nơi mà chế độ bảo vệ tài nguyên nghiêm ngặt, muốn vào thì chỉ có 1 cách duy nhất là đi theo tour.

Tiền vệ sinh cá nhân:

Tiền này thường xuất hiện khi bạn đi lâu ngày, nó sẽ bao gồm tiền xà phòng tắm, gội, giặt, kem đánh răng, băng vệ sinh (nếu bạn dùng cốc sẽ bớt được khoản này), gel sát khuẩn. Mình chỉ có dầu gội dùng cho cả tắm lẫn gội, 1 cục xà bông để cả rửa tay lẫn giặt lẫn tắm. Mấy thứ này ra siêu thị thấy cái gì rẻ nhất thì mua về thôi.

Phí visa

Phí này nếu bạn đi 1 nước thì không có cách gì nhưng trong 1 số trường hợp hiếm hoi bạn đi nhiều nước vẫn có cách, nếu bạn transit qua Châu âu hoặc Mỹ. Nhiều nước miễn visa cho người đang có visa Schengen hoặc visa Mỹ, nên nếu bạn tìm hiểu kỹ thì có khi cái visa Schengen của bạn nó đỡ cho mấy nước sau luôn ý, vậy thì khi xin visa Schengen bạn xin ngày rộng ra, coi làm sao bao luôn cả mấy ngày bạn đang ở các nước sau này. Hồi đấy mình transit ở Pháp qua đêm nên dù là transit nhưng vẫn phải làm visa du lịch (luật của Đại sứ quán nó vậy). Vì mình có visa du lịch Schengen nên mình không cần visa cho Colombia nữa, 3 triệu đấy! Hehe nhưng mà hồi đó mình ko tìm hiểu kĩ nên là xin cả visa Colombia, oan uổng mấy triệu.

 

Mình kê sơ 1 chuyến đi Malaysia 10 ngày, 3 thành phố của mình hồi tháng 10 năm 2016 như thế này:

Vé máy bay khứ hồi 1.2 triệu của Air Asia (đi xong nó tung tiếp đợt khuyến mại khác còn rẻ hơn bực cả mình)

Xe bus Kuala Lumpur – Malacca – Cameron Highlands – Kuala Lumpur (3 chuyến) 522k

Xe bus và metro trong thành phố KL 100k (tính nôm na vậy chứ chắc ít hơn)

Ăn 80k/ ngày x 10 ngày = 900k

Nước ko tốn vì nhà trọ lúc nào cũng có bình nước lọc miễn phí cứ ra rót mang đi, chỉ mua chai nước suối từ đầu để lấy cái chai 10k, nếu mang theo chai từ VN thì khỏi mua luôn

Phí tham quan: 25k chả tốn gì toàn đi chỗ miễn phí, chỉ tốn đúng cái bảo tàng

Hostel 110k/ngày x 10 ngày = 1.1 triệu (khoản này nếu ở couch surfing thì khỏi tốn)

Mua sắm linh tinh : 500k (nếu chỉ mua đúng những thứ mình cần như sim điện thoại thì chỉ tốn 100k-200k)

Tổng cộng là tầm 4.3 triệu và nếu ở Couch Surfing và không mua sắm gì thì chỉ mất chừng 3 triệu cho 10 ngày. Với 3 triệu mà bạn học được bao nhiêu là thứ vì nước này văn hóa hết sức giàu.

 

Nhưng cách mình đi ở trên chưa phải cách ít tiền nhất.

Cách ít tiền nhất là tiết kiệm phí đi lại bằng cách xin đi nhờ tức hitch hike, hoặc có phương tiện riêng (xe máy hoặc xe đạp), gói theo lều và túi ngủ, và nếu được thì nấu ăn. Như vậy bạn tiết kiệm được 1 đống tiền vận chuyển (tiền này chiếm hết nửa kinh phí chuyến đi), và tiền ở trọ (thường chiếm 25% kinh phí chuyến đi). Nhưng cách này chỉ hợp khi bạn đi backpack cả năm trời, ngủ trong công viên, tắm ở nhà tắm công cộng, mỗi tháng bạn chỉ mất chừng 5 triệu thôi.

Mỏi tay quá ko viết nữa. Nói chung là cứ đi đi. Đừng ngồi chửi những người đi ít tiền là xạo, như mấy anh hùng bàn phím ở nước mình nha.

Tặng bạn tấm hình mình trekking ở Peru. Khúc này là mệt quá tưởng mình sắp chết. Khửa khửa.15232218_10202004811639014_6605235362847965866_n

*Giá trong bài là giá 2016

 

 

Leave a comment